Phong Thủy xuất phát từ Trung Hoa, và Phong Thủy Trung Hoa xuất phát từ 1 thành phố nhỏ tại Trung Quốc có tên là Cống Châu. Hầu như tất cả các vị vua từ xưa đến nay và các lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc sau khi nắm quyền thì có 2 nơi họ đến: 1 là Vạn Lý Trường Thành, 2 là Cống Châu. Vạn Lý Trường Thành tượng trưng cho biểu tượng sức mạnh của Trung Hoa, là nơi người Trung Quốc tin hồn cốt linh thiêng của Tổ Quốc. Còn Cống Châu tại sao?
Đây chỉ là 1 tỉnh nhỏ, có dân số chỉ khoảng 8 triệu người. Tại sao 1 lãnh đạo mới nắm quyền lại đến nơi đây trong khi còn nhiều thành phố đông dân, kinh tế phát triển mạnh hơn như Thượng Hải, Thâm Quyến, Hồng Kông? Đó là vì ở 1 thành phố nhỏ ở tỉnh Cống Châu là quê hương của Đại Danh Sư Phong Thủy Dương Quân Tùng. Cống Châu được mệnh danh là thành phố có phong thủy đẹp nhất Trung Quốc, với phong thủy kiến trúc được xây dựng để bền vững đời đời, nhiều đình chùa, lăng mộ, tòa thành tồn tại hơn 1.200 năm vẫn sáng bóng, đẹp mà không bị hư hại. Tưởng tượng 1 ngôi mộ đắp đất mà tồn tại qua 1.200 năm vẫn tốt mà không bị sụt lún, tàn phai, bia đá vẫn sáng loáng?!
Nhìn lại lịch sử phát triển phong thủy từ xưa đến nay thì tác phẩm đầu tiên được viết công khai để lại dấu ấn là Táng Thư của Quách Phác. Tác phẩm này chủ yếu nhắc nhiều đến địa hình Loan Đầu, cung cấp một số khái niệm về long mạch, huyệt vị nhưng lại nhắc rất ít đến Lý Khí. Đó là vì Lý Khí ở giai đoạn này mới chỉ là sơ khai, hình dung của người Trung Quốc lúc đó chỉ là có 8 hướng Đông, Đông Nam, Nam, Tây Nam, Tây, Tây Bắc, Bắc, Đông Bắc.
Mãi đến khi Dương Quân Tùng là quan địa lý của triều nhà Đường đã nhân chạy loạn nạn giặc Hoàng Sào tấn công đến kinh thành mà cắp theo quyển Ngọc Hán Kinh – quyển sách gối đầu giường nắm giữ bí quyết phong thủy đế vương của nhà vua. Dương Quân Tùng đã chạy về trốn tại quê nhà tức Cống Châu để nghiên cứu, dạy phong thủy cho học trò, và viết sách để lại cho đời. Do ông thường xuyên lẫn trốn tại quê nhà để tránh sự truy bắt của triều đình (do phát hiện bị mất cắp bảo điển) và làm phong thủy cứu người nghèo nên còn được gọi là địa tiên Dương Cứu Bần – tức cứu người nghèo.
Dương Quân Tùng khi mất đã truyền lại kiến thức kinh nghiệm cho 3 người đệ tử thân thiết nhất là họ Lưu, họ Liêu (sau này xuất Liêu Kim Tinh), họ Tăng (sau này có Tăng Văn Địch, cháu đời thứ 52 của Tăng Văn Địch là Tăng Tử Nam của Huyền Không Đại Quái danh tiếng tại Đài Loan). Sau này 3 họ này nhiều đời phát triển và đều làm thầy phong thủy tư vấn cho nhiều đời vua và các quan chức hiện nay. Liêu Kim Tinh nắm giữ chức Trưởng Quan Địa Lý Hòag Gia giám sát Thập Tam Lăng của triều Minh. Hiện nay tại Cống Châu là nơi duy nhất có bảo tàng lịch sử phong thủy. Có làng mà quá nửa dân số của làng làm nghề xem phong thủy. 1 ngôi làng nhỏ mà cung cấp ra lò 24 Quốc Sư Phong Thủy, 72 Phong Thủy Sư Nổi Tiếng, 36 Bác Sĩ.
Trước thời Dương Quân Tùng hầu như không có quyển sách nào là kinh điển để người ta theo, chỉ có mỗi Táng Thư thì không nói nhiều đên Lý Khí mà chỉ là Hình Thế, Loan Đầu. Dương Quân Tùng đã viết khoảng 7-8 quyển, trong đó có nhiều quyển mà nhắc đến thì ai có nghiên cứu phong thủy cổ điển đều biết: Thanh Nang Áo Ngữ, Thiên Ngọc Kinh, Ngọc Xích Kinh.
Sau thời Dương Quân Tùng thì các phái bắt đầu xuất hiện nhiều, mỗi phái đều dựa trên kinh điển của Dương Quân Tùng để áp dụng theo cách của mình mà hình thành nên Tam Hợp, Tam Nguyên. Tam Nguyên Huyền Không với đại diện là Tưởng Đại Hồng đã sáng tạo nên La Bàn Huyền Không bằng cách ghép 64 quái Kinh Dịch vào trong La Bàn. Lai Bố Yi, con rể của 1 dòng họ Liêu tại Cống Châu sáng tạo ra Tam Hợp Phái bằng cách thêm vào vòng Nhị Thập Bát Tú và Nhân Bàn dùng theo Tam Hợp.
Phong Thủy Dương Quân Tùng vẫn còn tồn tại và phát triển tuy nhiên vì nhiều quy luật khắc khe trong việc truyền dạy đệ tử nên thường ít được nghe nhắc đến rộng rãi. Người viết may mắn được học và truyền khẩu quyết cũng như chìa khóa để giải nghĩa đầy đủ 4 bảo điển quan trọng: Thanh Nang Áo Ngữ, Thiên Ngọc Kinh, Ngọc Xích Kinh và Táng Thư; nếu thiếu khẩu quyết thì sẽ không có chìa khóa để hiểu đúng, trọn vẹn và đầy đủ những gì Đại Sư Dương Quân Tùng và Quách Phác muốn nói từ đó không thể áp dụng chính xác cho việc thực hành. Từ trước đến nay có rất nhiều người cố gắng giải nghĩa 4 bảo điển trên nhưng đều không đầy đủ, thiếu logic. Đôi khi việc học hỏi Phong Thủy phải cần 1 chữ Duyên.