4.4/5 - (26 bình chọn)

Có nhiều người nói rằng Quách Phác cùng với Táng Thư là tác phẩm tiên phong trong Phong Thủy thực ra chỉ đúng phần ngọn vì đa phần họ chỉ lặp lại những điều trong sách mà người khác đã viết đi viết lại chứ chưa bao giờ thật sự lần giở từng trang, từng câu chữ của Táng Thư. Táng Thư chỉ tập hợp những quan sát chung chung về địa lý hình thể chứ không hề nói gì đến công thức, tính toán lý khí cho nên tựa như chỉ nói cái vỏ bánh mà không nói cái ruột bánh nên rốt cuộc đọc thấy thật hay nhưng hoàn toàn không thể áp dụng được gì cả. Goethe có nói “Triết lý chỉ toàn là màu xám, chỉ có cây đời là mãi mãi xanh tươi”. Phong Thủy nếu chỉ nói về lý thuyết Âm Dương Ngũ Hành nghe cho sướng tai nhưng không nói về cách áp dụng vào cuộc sống thì chỉ là một mớ lý thuyết xa vời.

Do đó ngành Phong Thủy vào sau thời Quách Phác vẫn gần như không có chút tiến bộ nào. Mãi cho đến thời của Dương Quân Tùng 楊筠松.

Dương Quân Tùng vào năm 17 tuổi thi đậu Trạng Nguyên và làm quan địa lý trong triều thời nhà Đường. Cuối thời Đường lúc đó vua chỉ lo ham mê tửu sắc, nạn tham quan ô lại nhiễu nhương, sưu cao thuế nặng, giặc giã khắp nơi khiến Dương Quân Tùng lúc này 45 tuổi cảm thấy chán nản. Nhân lúc nạn giặc Hoàng Sào đánh về phía cung điện, giữa lúc vua nhà Đường phải chạy trốn, Dương Quân Tùng mới đánh cắp 2 quyển sách trong tráp quý đặt đầu giường của nhà vua: “Càn Khôn Quốc Bảo” của Khâu Đình Hàn và quyển “Ngọc Hàn Kinh” của Cửu Thiên Huyền Nữ. Quyển của Khâu Đình Hàn là nền tảng lý thuyết cho Long Môn Thủy Pháp Bát Đại Cục, dùng để xác định Thủy Pháp Long Mạch quy mô địa lý lớn – môn này sẽ được chúng tôi giảng dạy rộng rãi trong thời gian sắp tới. Quyển Ngọc Hàn Kinh của Cửu Thiên Huyền Nữ thật sự ẩn chứa nhiều bí mật hơn mà chỉ có thiểu số những người của môn phái Dương Quân Tùng mới thật sự biết về nó chứ không phải ai trong phái của Dương Công cũng biết về sự hiện diện của quyển sách bí mật này.

Cũng nói thêm rằng sinh thời Dương Quân Tùng viết đến khoảng gần 20 tác phẩm để lại cho đời (một số tác phẩm như: Hám Long Kinh, Nghi Long Kinh, Đô Thiên Bảo Chiếu Kinh, Thanh Nang Áo Ngữ, Thiên Ngọc Kinh, Thập Nhị Trượng Pháp, Kim Hàm Kinh, Kim Cương Toản Bổn Hình Táng Đồ Quyết, Lập Chùy Phú, Hắc Nang Kinh….), tuy nhiên chỉ có 1 số tác phẩm được biết đến rộng rãi, một số tác phẩm chỉ có 1 vài gia đình ở làng Tam Liêu còn nắm giữ, 1 số tác phẩm chỉ có 1 vài gia đình ở Cống Châu, và 1 vài tác phẩm chỉ có người ở xung quanh núi Dương Tiên (đỉnh núi mà Dương Công lẩn trốn và dạy học trò được người đời sau đặt là Dương Tiên Sơn – tức phong Dương Quân Tùng là bậc tiên thánh) nói chung là rải rác ở vùng Giang Tây chứ không có gia đình nào là nắm giữ đầy đủ. Dương Quân Tùng có 3 đại đệ tử: Tăng Văn Địch (曾文迪), Lưu Giang Đông (劉江東), Liêu Vũ (廖禹).

Lại nói tiếp về Dương Quân Tùng, sau khi đánh cắp 2 quyển sách này, ông quay về quê hương của mình ở vùng Giang Tây để vừa giảng dạy, nghiên cứu Phong Thủy và dùng Phong Thủy để giúp người nghèo khổ nên được gọi là Dương Cứu Bần (cứu người nghèo). Sau khi tan giặc giã, nhà vua quay lại triều đình thì phát hiện mất 2 quyển sách quý nên lập tức phái quân đội truy tìm mọi cách để bắt cho bằng được Dương Quân Tùng về chịu tội và thu hồi của báu hoàng gia.

1 lần khi lưu lạc trong lúc lẩn trốn quân lính triều đình, Dương Quân Tùng trốn vào 1 ngôi nhà nọ có 1 góa phụ đang mang thai. Người góa phụ này thấy có vị khách sa cơ lỡ bước liền mời vào trú 1 đêm và giết gà đãi khách. Chỉ có điều lạ là người góa phụ chỉ mời khách ăn cháo hầm với xương gà chứ hoàn toàn không có chút thịt gà nào. Dương Quân Tùng thầm nghĩ người phụ nữ này keo kiệt nên sáng sớm hôm sau trời chưa hửng nắng ông lặng lẽ cáo từ. Đi chưa được nửa buổi thì người phụ nữ kia đuổi theo để dúi vào tay ông túi vải đựng toàn bộ thịt gà mà bà đã róc đêm qua để ông có lương thực đem theo dọc đường. Cảm động với tấm chân tình này, Dương Quân Tùng quyết định quay về căn nhà của bà để bố trí phong thủy cho mộ phần chồng bà & cho ngôi nhà bà đang ở. Xong xuôi ông có nói rằng căn nhà này sẽ sinh ra 1 vị vua và có hứa rằng khi nào bà mất thì tôi sẽ quay lại để làm tiếp mộ cho bà.

Sau đó thì người góa phụ đó sinh ra Lưu Quan Châu, người sau này trở thành vua của vùng Giang Tây.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *